Ông Phúc và Việt Á
Ông Phúc và hai cấp phó thời ông đương chức Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam có lẽ là những người đầu tiên được áp dụng quy trình “xin thôi”. Chẳng những không bị truy tố hình sự, các quan chức này còn không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng chính thức nào bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức, và khai trừ, và vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo cấp bậc của một cán bộ cao cấp về hưu.
Dù chi tiết sai phạm không được tiết lộ song trong vụ việc ông Phúc không khó để nhận ra sự liên quan của ông đến vụ án Việt Á – một trong những scandal lớn nhất của chính trị Việt Nam những năm gần đây.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh đại dịch với hậu quả to lớn khiến công chúng hết sức bất bình. Sự quan tâm của công chúng và mức độ nghiêm trọng của vụ việc có thể là lý do chính để Việt Á trở thành hồ sơ đưa vào diện quan tâm theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Quá trình điều tra lâu dài trải qua nhiều tỉnh thành và liên đới tới nhiều lãnh đạo bộ ngành và địa phương cuối cùng đã dẫn đến ông Phúc và hai cấp phó của mình là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Đáng chú ý, ngay trước khi ông Phúc “xin thôi”, Bộ Công an đã khởi tố người được cho là có mối quan hệ gia đình với ông là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy theo Điều 336 Bộ luật Hình sự về “tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.”
Điểm khác biệt của vụ Phúc Sơn
Nếu ông Phúc bị cho là ngã ngựa vì liên quan đến vụ Việt Á thì ông Thưởng bị cho là có dính dáng đến vụ án của một công ty có tên là Tập đoàn Phúc Sơn.
Công ty này trúng thầu một số dự án ở Quảng Ngãi thời gian ông Thưởng làm Bí thư tỉnh này cách đây hơn 10 năm. Trong những thông cáo báo chí của Bộ Công an khi điều tra vụ việc nhiều người tinh ý nhận ra bên cạnh việc khởi tố các cựu quan chức Quảng Ngãi, Bộ Công an đồng thời khởi tố một cán bộ cấp huyện ở tỉnh Vĩnh Long quê ông Thưởng, cũng với tội danh “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 336.
Tuy nhiên điểm tương đồng này chỉ là về hình thức đánh án của Bộ Công an, như để che giấu đi những điểm khác biệt căn bản trong hai vụ việc, từ đó có thể dẫn đến những hàm ý quan trọng.
Đầu tiên, khác với vụ Việt Á gây chấn động dư luận, không ai biết đến những sai phạm của Phúc Sơn cho đến khi Bộ Công an chỉ ra. Xảy ra trong bối cảnh đại dịch, Việt Á thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận như một ví dụ cho thấy tham nhũng ở Việt Nam đã trầm trọng tới mức nào với những quan chức sẵn sàng trục lợi trên cơn bĩ cực của dân chúng. Trái lại, những công ty như Tập đoàn Phúc Sơn, dựa hơi quan chức trung ương đi kiếm dự án cơ sở hạ tầng ở các tỉnh thành và có chút “bôi trơn” cho các quan chức địa phương đã trở thành điều quá đỗi bình thường ở Việt Nam trước đây cũng như hiện nay.
Điểm khác biệt thứ hai nằm ở chỗ tiến độ làm án Phúc Sơn quá nhanh. Khác với vụ Việt Á để đi đến kết luận về sự liên quan của ông Phúc phải trải qua quá trình điều tra lâu dài nhưng hợp lý, vụ việc Phúc Sơn đã diễn ra với tốc độ kỷ lục. Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Bộ Công an cung cấp thông tin đầu tiên về vụ việc vào ngày 26/2/2024 cho đến hậu quả chính trị của nó là sự ra đi của ông Thưởng vào ngày 20/3/2024.
Điểm khác biệt thứ ba nằm ở chỗ nếu như vụ Việt Á xảy ra khi ông Phúc đang đương chức Thủ tướng và sau đó là Chủ tịch nước, thì vụ Phúc Sơn đã xảy ra cách đây hơn 10 năm. Các cơ quan nội chính và tổ chức dày đặc của Đảng đã rà soát hồ sơ của ông Thưởng thế nào trước khi ông ấy được cất nhắc cho những vị trí cấp cao qua những kỳ Đại hội Đảng gần đây, đến tận chức vụ Chủ tịch nước?
Cuối cùng, về mặt hình thức, trong khi Việt Á là vụ việc nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng đưa vào diện theo dõi thì Phúc Sơn tới giờ vẫn chưa được coi nghiêm trọng đến mức xếp vào diện này, dù hậu quả chính trị là tương đương với sự ra đi của một trong tứ trụ triều đình.
Những điểm đặc biệt trong vụ việc của ông Thưởng đưa đến những câu hỏi quan trọng khác, như vì sao Bộ Công an lại làm án Phúc Sơn thời điểm này và án Phúc Sơn có phải là án ngược hay không, theo nghĩa quyết định ông Thưởng phải ra đi đã có từ trước, còn vụ Phúc Sơn chỉ là cái cớ cần thiết. Trả lời những câu hỏi này sẽ góp phần lý giải những động cơ khả dĩ cho quyết định của phe nắm quyền hiện tại, ở đây là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Võ Văn Thưởng – vốn là điều không dễ nhận ra trong nền chính trị cung đình kém minh bạch của đảng cộng sản.