Công Khai Đi

Chánh án Nguyễn Hòa Bình xảo ngôn về làm giàu bất chính

Trong phần trả lời chất vấn những ngày gần đây, Chán án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình lần đầu tiên đề cập đến chủ đề quan trọng bậc nhất trong chống tham nhũng thường bị Đảng Cộng sản né tránh lâu nay.

Dẫn theo báo Tuổi Trẻ ngày 20/3/2023, ông Bình cho hay, trên thế giới xem tham nhũng là tội đặc thù nên bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ còn có cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của nghi can.

Ví dụ, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu.

“Nếu chúng ta làm được điều này như các nước thì tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong tương lai sẽ rất cao”, ông Bình nêu.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn Quốc Hội. Ảnh: Mekong Asean

Ông Bình không nói ra nhưng điều ông đang nói tới là vấn đề làm giàu bất chính (illicit enrichment), một trong những nội dung trung tâm của Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC).

Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là một bên tham gia yêu cầu các nước thành viên phê chuẩn trong luật nội địa những điều khoản hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính.

Điểm mấu chốt của điều khoản làm giàu bất chính tập trung vào trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức đối với các khoản tài sản được kê khai hoặc bị phát hiện. Trong trường hợp không giải trình được tài sản của họ được hình thành một cách hợp pháp và chính đáng, họ sẽ bị coi là làm giàu bất chính và chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời với tài sản bị tịch thu.

Nôm na là, không có cái gọi là suy đoán vô tội dành cho cán bộ công chức khi nói đến tài sản. Bởi lẽ, một khi đã ở vị trí quyền lực, người nắm quyền phải chịu trách nhiệm giải trình đối với sự thay đổi tài sản của họ kể từ khi nắm quyền. Điều này đảm bảo sự liêm chính của bộ máy, thúc đẩy niềm tin của công chúng vào công quyền, xây dựng một văn hóa chính trị lành mạnh.

Điều 20. Làm giàu bất hợp pháp

Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.

Công ước LHQ về Chống Tham nhũng được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 31/10/2003. Việt Nam ký Công ước này vào ngày 10/12/2003.

Câu hỏi đặt ra là đã 20 năm từ ngày Việt Nam ký Công ước, vì sao cho đến nay qua nhiều lần sửa đổi pháp luật về chống tham nhũng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa đưa điều khoản hình sự hóa làm giàu bất chính vào luật.

Ông Nguyễn Hòa Bình ngoài chức vụ Chán án Tòa án Nhân dân Tối cao còn là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyết định những vấn đề chính trị và pháp lý hệ trọng nhất trên thực tế ở Việt Nam. Ông Bình biết rõ lý do, chỉ là ông không muốn hoặc không tiện nói nên mới đặt giả định “nếu như” như thế.

Chắc ông không tiện nói, bởi lẽ muốn hình sự hóa làm giàu bất chính điều kiện cần là công khai các bản kê tài sản của cán bộ công chức hàng năm, xác định các khoản tăng thêm bất thường hoặc xác minh các tài sản không được kê khai, và yêu cầu cán bộ công chức giải trình.

Tuy nhiên, ngay ở điều kiện đầu tiên là công khai tài sản, cấp trên của ông Bình trong Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hoặc là lẩn tránh những lời kêu gọi đích danh, hoặc là vin vào lý do “nhạy cảm” để lần lữa, giấu diếm. Chính điều này đã khiến cho toàn bộ hệ thống chính trị trên dưới đồng lòng, nhất hô bá ứng cùng giấu diếm các bản kê khai tài sản, từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở xuống.

Bởi vậy, những lời giả định “nếu như” của ông Bình trong phần trả lời phỏng vấn chính là xảo ngôn, nhằm che giấu lý do thực sự của việc chậm trễ áp dụng các cải cách thể chế pháp lý cần thiết cho chống tham nhũng một cách bền vững, bao gồm hình sự hóa làm giàu bất chính.

Exit mobile version